HDSD
Đồng hồ ODO, Trip A, Trip B và đồng hồ nhắc bảo dưỡng xe Lexus
Chiếc xe nào cũng có đồng hồ đo số km đã chạy, thường gọi là đồng hồ công – tơ – mét. Nhưng thuật ngữ chính xác phải là đồng hồ ODO. Ngoài ra, chúng ta sẽ tìm hiểu những khái niệm đầy đủ hơn về Trip A, Trip B và đồng hồ nhắc bảo dưỡng xe Lexus
Đồng hồ ODO (Odometer)
Odo là viết tắt của từ Odometer – đồng hồ đo quãng đường đã đi của xe (từ khi xuất xưởng). Bằng việc theo dõi số km đã đi trên ODO chúng ta lấy đó là căn cứ để thực hiện các công tác bảo dưỡng, chăm sóc xe hay ước tính tuổi bền của các linh kiện phụ tùng khác trên xe, định giá xe…
Đồng hồ ODO trên một chiếc Lexus LX 600 VIP hiển thị 28km đã lăn bánh. Vị trí đồng hồ đặt nhỏ gọn bên cạnh trái đồng hồ vòng tua máy và tốc độ xe
Cùng với sự phát triển của công nghệ ô tô, ODO có các dạng khác nhau từ đồng hồ dạng cơ học, bán tự động và tự động (điện tử) hoàn toàn. Ở đây, chúng ta hiểu đơn giản là cơ chế đếm số vòng quay của bánh xe và tính toán quy đổi sang đơn vị đo quãng đường km. Đồng hồ cơ học sử dụng cơ cấu đếm số vòng quay dạng cơ khí. Đồng hồ điện tử đo số vòng quay bằng cảm biến và vi mạch tích hợp.
Đồng hồ ODO, vòng tua máy hay tốc độ xe.. dạng cơ học phổ biến trên nhiều dòng xe trước đây của các thương hiệu
Vị trí của đồng hồ ODO
Đa số trên các xe Lexus, thông số hiển thị của đồng hồ ODO đặt ngay chính giữa đồng hồ taplo (sau vô lăng). Phím bấm để đọc thông tin đồng hồ đặt tại khu vực phía sau cần đèn pha (bên trái, sau vô lăng). Trên bề mặt phím có in chữ “ODO/TRIP” trực quan. Đây cũng là phím bấm tích hợp dùng chung của các đồng hồ Trip A, Trip B và đồng hồ nhắc bảo dưỡng.
Vị trí phím bấm đọc đồng hồ ODO/TRIP trên xe Lexus, Toyota thường đặt phía sau, bên trái vô lăng
Độ chính xác của đồng hồ ODO
Nhìn chung, hầu hết chúng ta không đòi hỏi khắt khe về độ chính xác của đồng hồ ODO (như yêu cầu với đồng hồ thời gian chẳng hạn). Theo thời gian sử dụng, sự chính xác của đồng hồ có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như độ mòn của lốp, độ lệch của góc đặt bánh xe hay cơ cấu đo đếm vòng quay bánh xe.
Có nên sử dụng ODO khi mua xe cũ?
Như đã nêu, số km hiển thị trên đồng hồ ODO là cơ sở để chúng ta xác định tình trạng một chiếc xe đã qua sử dụng (chạy nhiều hay ít?).
Ngày nay có nhiều các thiết bị máy móc cũng như thủ thuật can thiệp để có thể thay đổi đi thông số đồng hồ ODO- gọi là tua công – tơ – mét. Đây có thể gọi là một trong những mánh khỏe của các tay kinh doanh xe đã qua sử dụng.
Chính vì vậy, nếu có dự định mua xe cũ hãy chỉ nên sử dụng ODO như thông số tham khảo. Chúng ta sẽ cần xét tới những yếu tố khác quan trọng hơn như tình trạng nội ngoại thất, độ nguyên bản của các chi tiết tôn vỏ, bề mặt nắp máy, khung sườn xe, giấy tờ và lịch sử bảo dưỡng chính hãng.
Một người xem xe kinh nghiệm có thể dễ dàng nhận ra ODO xe có bị tua hay không dựa trên sự đánh giá, so sánh với các chi tiết khác như lốp xe, tình trạng bề mặt nội thất, tôn vỏ. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể check hãng (kiểm tra với lịch sử bảo dưỡng trong hãng).
Trip A, Trip B là gì?
Trên các model xe Lexus và Toyota ngày này, tại vị trí phím bấm đọc ODO cũng là tích hợp luôn Trip A, Trip B. Đây là các đồng hồ đo khoảng cách/quãng đường và trong nhiều tình huống chúng cũng rất tiện ích, ví dụ như:
- Muốn đo quãng đường AB, ví dụ Hà Nội – Nghệ An: Tại Hà Nội ta reset đồng hồ Trip A hoặc Trip B về 0, khi đến Nghệ An ta đọc thông số đồng hồ đã reset.
- Nếu có 1 điểm đến C nằm giữa A và B. Bạn có thể kết hợp sử dụng cả 2 đồng hồ Trip A, Trip B để dễ dàng đo khoảng cách giữa các điểm đến này. Reset cả 2 đồng hồ Trip về 0, khi đến điểm C bạn đọc thông số trên 1 đồng hồ và vẫn duy trì đồng hồ đo còn lại cho tới khi đến B. Quãng đường BC=AB-AC.
- Nếu không có thao tác reset về 0, các đồng hồ Trip A, B sẽ luôn đo và cộng dồn quãng đường. Vì thế bạn có thể sử dụng để đo cho các trường hợp khác như: Tổng số km di chuyển trong 1 ngày, 1 chuyến công tác hay tổng số km xe đi trong 1 tháng.
Đồng hồ nhắc bảo dưỡng
Tiếp tục nhấn nút bấm ODO, tới khi hiển thị của đồng hồ dãy chữ số đặt cạnh chiếc cờ lê, đó là đồng hồ nhắc bảo dưỡng của xe. Đồng hồ nhắc bảo dưỡng này giúp người dùng chủ động và thuận tiện hơn trong việc theo dõi và bảo dưỡng xe định kỳ, đảm bảo cho việc sử dụng xe an toàn, kinh tế.
Với hình chiếc cờ lê bên cạnh các chữ số, đây là hiển thị của số km còn tới khi xe cần được bảo dưỡng định kỳ: Hay ngắn gọn đây là đồng hồ nhắc bảo dưỡng của xe
Đồng hồ này được đặt theo phương thức trừ lùi (thường từ 10.000km) về 0. Mốc bảo dưỡng với các xe Lexus thường được tính ở mức 10.000 km/ 1 cấp. Nên khi đồng hồ này trừ lùi số km về gần tới mốc 0, xe sẽ có dòng nhắc hiển thị trên đồng hồ taplo => Nhắc nhở người dùng lưu ý đưa xe đi bảo dưỡng.
Sau mỗi lần hoàn thành công tác bảo dưỡng, KTV của Lexus sẽ đặt lại đồng hồ nhắc bảo dưỡng cho khách hàng (với mốc định kỳ là 10.000km/ lần)
Những câu hỏi thường gặp
Câu hỏi thường gặp nhất ở trang bị này là việc người dùng nhầm lẫn giữa đồng hồ nhắc bảo dưỡng với đồng hồ ODO, kiểu như: “Em ơi, tại sao lại tua đồng hồ công tơ mét của chị?”
Ví dụ như khi đưa xe đi bảo dưỡng, KTV của Lexus hoàn thành các công tác bảo dưỡng và đặt lại đồng hồ nhắc bảo dưỡng nhưng có thể không đặt lại hiển thị về ODO. Sau đó khi khách hàng sử dụng lại xe lại lầm tưởng khi thấy sự sai khác về các con số. Rất đơn giản, ta nhấn thêm một lần để đưa về hiển thị ODO.
Trong hoạt động chăm sóc khách hàng của mình, Lexus cũng thường có liên hệ đề nghị Quý khách hàng cho biết về số km đã chạy của xe, tình trạng xe để phục vụ các công tác bảo dưỡng, chăm sóc xe. Vì vậy, nắm bắt về ý nghĩa và vai trò của các đồng hồ này cũng việc mà mỗi chủ xe nên có.